Kết thúc phiên 1/7, chứng khoán Mỹ khởi động nửa cuối năm 2021 với sự khởi sắc. Giá dầu vọt lên cao nhất gần 3 năm, thép tăng phiên thứ 7 liên tiếp, cao su thấp nhất 6 tháng, cà phê giảm nhẹ.
Chứng khoán Mỹ tiếp tục tăng
S&P 500 tăng 0,5% và đóng cửa ở mức cao kỷ lục phiên thứ 6 liên tiếp, lần đầu tiên vượt mốc 4.300 khi kết thúc phiên với 4.319,94 điểm. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 131 điểm, đóng cửa ở mức 34.633,53 điểm. Nasdaq Composite tăng khoảng 0,1% lên 14.522,38 điểm.
Đà tăng lan rộng ở các nhóm cổ phiếu, trong đó dự trữ năng lượng dẫn đầu khi dầu thô West Texas Intermediate tăng trên 75 USD/thùng. Cổ phiếu của Chevron tăng 1,4%, trở thành một trong những thành viên có thành tích tích cực nhất trong chỉ số Dow. Cổ phiếu Nike tăng hơn 2%. Tuy nhiên, cổ phiếu của Walgreen Boots Alliance đã giảm hơn 7% mặc dù công bố kết quả kinh doanh tốt hơn mong đợi.
Một loạt thông tin khả quan về kinh tế đã thúc đẩy đà tăng ở phiên này. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần trước là 364.000, mức thấp nhất trong thời đại đại dịch. Ngoài ra, chỉ số sản xuất tháng 6 của Viện Quản lý Cung ứng cho thấy mức tăng gần như phù hợp với kỳ vọng và Văn phòng Ngân sách Quốc hội đã nâng ước tính về tăng trưởng kinh tế.
Sự khởi sắc trong số liệu kinh tế đạt được trong bối cảnh kinh tế Mỹ chứng kiến nửa đầu năm phục hồi nhanh chóng khi vắc-xin được phổ biến rộng rãi và các doanh nghiệp mở cửa trở lại, giúp S&P 500 tăng hơn 14%,Dow và Nasdaq cũng đạt mức tăng phần trăm hai con số.
Chỉ số vốn hóa nhỏ Russell 2000 đã tăng hơn 17% trong 6 tháng đầu năm khi cổ phiếu chu kỳ thăng hoa. Tuy nhiên, các công ty nhỏ hơn và cổ phiếu giá trị dường như mất đà trong những tuần gần đây trong khi cổ phiếu Big Tech lấy lại được vị thế.
Trước đây, những giai đoạn nửa đầu năm khởi sắc của thị trường chứng khoán là dấu hiệu tốt cho phần thời gian còn lại của năm. Bất cứ khi nào đạt mức tăng hai con số trong nửa đầu năm, chỉ số Dow và S&P 500 chưa bao giờ kết thúc năm đó với sự sụt giảm, theo dữ liệu của Refinitiv từ năm 1950. Khi S&P 500 tăng hơn 12,5% vào đầu năm, thì nửa cuối năm có mức tăng trung bình là 9,7%, theo dữ liệu của LPL Financial từ những năm 1950.
Dầu tăng khoảng 2%
Giá dầu tăng khoảng 2% do các nhà sản xuất OPEC+ có thể tăng sản lượng chậm hơn dự kiến trong những tháng tới, trong khi nhu cầu nhiên liệu toàn cầu đang tăng khiến nguồn cung khan hiếm.
Chốt phiên 1/7 dầu thô Brent tăng 1,22 USD hay 1,6% lên 75,84 USD/thùng, dầu thô WTI tăng 1,76 USD hay 2,4% lên 75,23 USD/thùng. Trong phiên này cả hai loại dầu đã tăng hơn 2 USD/thùng, đạt mức cao nhất kể từ tháng 10/2018.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh đã trì hoãn cuộc họp cấp bộ trưởng cho tới ngày 2/7 để tổ chức thêm các cuộc thảo luận về chính sách sản lượng dầu mỏ sau khi UAE được cho là từ chối một kế hoạch tăng sản lượng ngay lập tức.
Các nguồn tin OPEC+ trước đó cho biết tổ chức này dự kiến tăng sản lượng 0,4 triệu thùng/ngày mỗi tháng từ tháng 8 tới tháng 12/2021.
Một số nhà đầu tư vẫn hoài nghi về dự báo nhu cầu thị trường. Dự báo nhu cầu của OPEC không tính tới khả năng tăng nguồn cung từ Iran, sự lây lan của biến thể Delta và nhu cầu xăng của Mỹ theo mùa.
Vàng tăng 0,2%
Giá vàng tăng sau khi giảm hơn 7% trong tháng 6, thúc đẩy một số nhà đầu tư mua vào trong bối cảnh lo ngại chủng Delta của virus corona. Tuy nhiên, động thái này bị hạn chế bởi sự thận trọng về số liệu việc làm của Mỹ sắp tới và USD mạnh lên.
Vàng giao ngay tăng 0,2% lên 1.773,09 USD/ounce, trong khi vàng Mỹ kỳ hạn tháng 8 đóng cửa tăng 0,3% lên 1.776,8 USD/ounce.
Sự chú ý hiện được dồn vào báo cáo số liệu việc làm lĩnh vực phi nông nghiệp để có dự đoán về thời điểm thay đổi chính sách tiền tệ của Mỹ. Các quan chức Cục dự trữ liên bang cho thấy ngân hàng trung ương này nên nới lỏng việc mua tài sản trong năm nay. Một thăm dò của Reuters dự báo số liệu việc làm tăng 690.000 việc trong tháng này.
Giá cà phê hai sàn giảm nhẹ
Kết thúc phiên giao dịch, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London điều chỉnh giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 giảm 4 USD, xuống 1.701 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 11 giảm 7 USD, còn 1.705 USD/tấn, các mức giảm nhẹ. Khối lượng giao dịch duy trì trên mức trung bình.
Trong khi đó, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York sụt giảm liên tiếp phiên thứ ba. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 giảm thêm 3,35 cent, xuống 156,4 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 12 cũng giảm 3,35 cent, còn 159,30 cent/lb, các mức giảm mạnh. Khối lượng giao dịch rất cao trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô nội địa tại Đaklak giảm 100 đồng xuống 36.500 – 36.600 đồng/kg.
Đồng Real tăng mạnh 1,46 %, tỷ giá lên ở mức 1 USD = 4,0450 Real do sự thận trọng của nhà đầu tư vốn ngoại trước đại dịch và thông tin tham nhũng, kết hợp với những mối lo từ bên ngoài khi lạm phát ở khu vực Bắc Mỹ tăng cao, có thể thúc đẩy Fed xem xét nâng lãi suất USD sớm hơn dự kiến.
Giá cà phê Arabica tiếp tục suy yếu khi thu hoạch vụ mùa mới ở Brazil bước vào giai đoạn cuối, kết hợp với thông tin Colombia đã khai thông việc vận chuyển cà phê ra các cảng xuất khẩu.
Trái lại, sau đợt tăng sốc kể từ tuần trước do nỗi lo thiếu hụt nguồn cung từ các nhà sản xuất hàng đầu đã tạm thời dịu lại, giá cà phê Robusta tăng vọt trở lại trước thông tin có khả năng xảy ra sương giá trên toàn bang Paraná và vùng Trung Tây chiếm tới hơn 26% sản lượng Conilon Robusta của Brazil.
Vấn đề là vụ thu hoạch cà phê Conilon mới ở Brazil đã gần như hoàn tất nên thiệt hại trên cây cà phê Robusta ở Paraná chủ yếu cho năm sau, còn ở vùng Trung Tây Brazil mới là đáng kể. Trong khi cây trồng chính ở bang Paraná là ngô và mía, chỉ có khoảng 36.000 ha cà phê với sản lượng trung bình 900.000 bao/năm.
Theo các nhà quan sát, vẫn còn quá sớm để đánh giá thiệt hại trong đợt rét cuối tháng 6 ở Brazil nhưng các giới đầu cơ vẫn tỏ ra nhạy cảm, nhất là đầu cơ London đã đẩy giá tăng vọt ngay từ đầu phiên hôm qua và trong phiên vẫn có những lúc đột biến khi càng có thêm thông tin đợt rét được cập nhật, cho dù nhiều nguồn tin trên thị trường đã tỏ ra không mấy quan tâm.
Nguồn VICOFA tổng hợp