Kết thúc phiên 6/7, chứng khoán Mỹ trái chiều khi Phố Wall lo ngại rằng đà hồi phục sau đại dịch có thể đã chậm lại. Giá dầu giảm mạnh sau khi OPEC hủy họp bàn về kế hoạch sản lượng. Trái lại, giá vàng và sắt thép phiên vừa qua đều tăng mạnh. Trong nhóm nông sản, ngoại trừ cao su tăng, giá ngũ cốc, cà phê, đường… đều giảm do USD mạnh lên.
Chứng khoán Mỹ trái chiều
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 208,98 điểm xuống 34.577,37 điểm, do các công ty Dow Inc., Caterpillar, JPMorgan và Chevron rớt giá. S&P 500 giảm 0,2% xuống 4.343,54 điểm sau khi đạt kỷ lục lúc mở cửa. Chỉ số 500 cổ phiếu đã đạt được chuỗi 7 ngày thăng hoa liên tiếp, dài nhất kể từ tháng 8. Nasdaq Composite tăng 0,17% lên 14.663,64 điểm, đóng cửa ở mức kỷ lục mới.
Amazon tăng 4,7% sau khi Bộ Quốc phòng hủy hợp đồng đám mây JEDI trị giá 10 tỷ USD với Microsoft. Thay vào đó, cơ quan này đang đưa ra một hợp đồng mới và tìm kiếm đề nghị từ cả Amazon và Microsoft. Ngoài ra, Andy Jassy đã chính thức đảm nhận vị trí Giám đốc điều hành của Amazon vào thứ Hai, còn Jeff Bezos hiện là chủ tịch điều hành của hội đồng quản trị.
Các nhà đầu tư đang đưa ra một số dấu hiệu cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng từ sự sụt giảm nặng nề do đại dịch có thể đạt đến đỉnh điểm. Chỉ số Dịch vụ ISM, một thước đo chính của lĩnh vực dịch vụ, đã giảm xuống mức 60,1 trong tháng 6 so với mức kỷ lục của tháng trước, dữ liệu được công bố hôm thứ Ba cho thấy. Các nhà kinh tế được thăm dò bởi Dow Jones dự đoán con số 63,5. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp tăng trở lại lên 5,9% so với kỳ vọng 5,6%.
Lợi suất trái phiếu cũng giảm vào thứ Hai, khi lợi suất trái phiếu kho bạc 10 năm giao dịch quan 1,4%, thêm bằng chứng cho thấy các nhà đầu tư đang nghi ngờ sức mạnh của nền kinh tế Mỹ.
Các nhà phân tích của Citi nói với khách hàng rằng họ lo ngại về chính sách của ngân hàng trung ương và nhận thấy rằng mùa báo cáo tài chính (sẽ bắt đầu sau vài tuần) có thể không đạt được kỳ vọng. Họ cho rằng, tháng 7 có thể là “một khoảng thời gian đáng lo”, do “kỳ vọng cao hơn” đối với kết quả kinh doanh mạnh mẽ ở quý đầu tiên.
Trong khi đó, cổ phiếu niêm yết tại Mỹ của gã khổng lồ gọi xe Trung Quốc Didi giảm gần 19,6% sau khi Trung Quốc cho biết người dùng mới không thể tải xuống ứng dụng, cho đến khi nước này tiến hành đánh giá an ninh mạng. Thông báo này đã gây bất ngờ cho thị trường khi Didi vừa lên sàn NYSE vào tuần trước.
Các nhà đầu tư đang chờ đợi biên bản cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang tháng 6 sẽ diễn ra vào thứ Tư, để tìm kiếm những dấu hiệu trong các cuộc thảo luận của ngân hàng trung ương về việc giảm quy mô của chương trình nới lỏng định lượng.
Dầu quay đầu giảm mạnh
Giá dầu giảm mạnh trong phiên vừa qua do OPEC hủy họp và đồng USD tăng mạnh.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 6/7, giá dầu thô Brent giảm 2,63 USD/thùng, tương đương 3,4%, xuống 74,53 USD, dù trong phiên có lúc đạt mức cao nhất kể từ tháng 10/2018, là 77,84 USD/thùng.
Dầu Tây Texas Mỹ (WTI) cũng giảm 1,79 USD (tương đương 2,4%) xuống 73,37 USD/thùng, sau khi có thời điểm đạt 76,89 USD, cao nhất kể từ tháng 11/2014 (hơn 6 năm).
Việc giá dầu biến động mạnh trong phiên vừa qua chủ yếu do OPEC không đạt được thỏa thuận về sản lượng dầu mỏ trong thời gian tới.
“Thị trường lo ngại rằng UAE sẽ can thiệp và đơn phương bổ sung dầu vào sản lượng, và những thành viên khác của OPEC cũng sẽ làm theo”, Bob Yawger, Giám đốc phụ trách mảng năng lượng kỳ hạn của Mizuho, cho biết.
Trước đó, ngày 5/9, các Bộ trưởng OPEC+ (bao gồm Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ, Nga và một số nước sản xuất dầu khác) đã từ bỏ cuộc đàm phán sau khi Saudi Arabia – nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất OPEC – và Các Tiểu Vương quốc Ảrập Thống nhất (UAE) bị chia rẽ về quan điểm. Trước đó, cuộc đàm phán lẽ ra diễn ra vào ngày 1/7, nhưng đã liên tục bị hoãn lại.
Vàng gần chạm 1.800 USD do lợi tức trái phiếu Mỹ giảm
Giá vàng tăng trong phiên giao dịch vừa qua, có lúc đạt trên ngưỡng quan trọng 1.800 USSD/ounce do lợi suất trái phiếu Mỹ giảm. Các nhà đầu tư đang theo dõi sát sao biên bản cuộc họp chính sách tháng 6 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) – dự kiến công bố trong ngày hôm nay (7/7), để biết rõ hơn đường hướng chính sách của thể chế này.
Kết thúc phiên giao dịch, giá vàng giao ngay tăng 0,2% lên 1.794,37 USD/ounce, trong phiên có lúc tăng lên mức cao nhất kể từ ngày 17 tháng 6, là 1.814,78 USD. Giá vàng kỳ hạn tháng 8 cũng tăng 0,6% ở mức 1.794,2 USD.
Lợi suất kho bạc Mỹ kỳ hạn tham chiếu đã giảm xuống mức thấp nhất gần 2 tuần, làm cho vàng trở nên hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư.
Giá cà phê 2 sàn đều giảm
Kết thúc phiên giao dịch, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London tiếp tục giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 giảm thêm 8 USD, xuống 1.679 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 11 giảm thêm 5 USD, còn 1.678 USD/tấn, các mức giảm nhẹ. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình. Cấu trúc giá đảo được rút ngắn đáng kể.
Trong khi đó, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York kéo dài chuỗi giảm lên phiên thứ năm. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 giảm thêm 4,95 cent, xuống 148,10 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 12 giảm thêm 4,85 cent, còn 151,10 cent/lb, các mức giảm mạnh. Khối lượng giao dịch duy trì rất cao trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô nội địa tại Đaklak ở mức 36.200 – 36.300 đồng/kg.
Đồng Real giảm mạnh 2,39 %, tỷ giá xuống ở mức 1 USD = 5,2090 Real, mức giá thấp nhất kể từ ngày 01/5 và là ngày có mức % tỷ giá tồi tệ nhất kể từ 18/9 năm ngoái. Tổng thống đương nhiệm có khả năng bị luận tội vì bị cáo buộc tham nhũng và USDX tăng cao do lo ngại rủi ro ở bên ngoài khiến nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu ồ ạt trên sàn chứng khoán Brazil đã làm suy yếu đồng Real.
Cho dù cà phê Arabica đang vào thu hoạch rộ nhưng cũng là cơ hội để người Brazil đẩy mạnh bán cà phê vụ mới khi đồng Real giảm trở lại vì sẽ thu về được nhiều nội tệ hơn.
Trái lại, giá cà phê sàn London trở lại xu hướng tăng kéo dài gần cả phiên nhờ có những yếu tố cơ bản hỗ trợ, nhưng sức ép từ sàn New York quá lớn nên đành phải đảo chiều giảm vào cuối phiên.
Các nhà quan sát cho rằng, sức tiêu thụ cà phê toàn cầu tạm thời sụt giảm do phần lớn các thị trường tiêu dùng phía bắc bán cầu bước vào kỳ nghỉ mùa hè và dịch bệnh Covid-19 vẫn còn nhiều tác động tiêu cực.
Thị trường cũng bắt đầu nhận được những thông tin sơ bộ về đợt sương giá gây hại tại các bang Minas Gerais, Paraná và São Paulo vừa qua nhưng các nhà môi giới tại Brazil cho rằng vẫn chưa thấy gì đáng kể.
Giá cà phê New York vài tuần trước biên độ tăng giảm có thể từ 10,00 -15,00 cent trong một phiên ngay khi London không tăng giảm lớn. Tuy nhiên vài tuần gần đây thị trường đi ngược lại, giá New York không tăng giảm lớn cùng London, ngay khi chênh lệch giữa Arabica và Robusta đã thay đổi từ một xu hướng giá Arabica cao hơn Robusta khoảng 90,00 – 95,00 cent vào tuần trước đây thì hiện nay Arabica chỉ cao hơn Robusta 72,00 cent, tương đương 1.580 USD/tấn. Như vậy giá Arabica lúc này chỉ gấp đôi giá Robusta so với vài tuần trước thị trường đã thay đổi.
Người ta kỳ vọng giá cà phê có khả n ăng đang diễn ra đợt sửa giá và mục tiêu giá sàn không xa khu hiện nay. Nếu thị trường giữ được mức này thì khả năng tăng vẫn còn, tuy nhiên thông tin bất lợi lúc này là thời tiết Brazil vẫn tiếp tục khô hanh và không có mưa làm cho vụ mùa không bị ảnh hưởng bởi tuyết rơi trong vòng 20 ngày tới.
Như vậy đến những ngày cuối tháng 7 Brazil vẫn không có tuyết rơi. Liệu Brazil tuyết có thể rơi vào mùa xuân, đầu tháng 8 này hay không đang là câu hỏi được đưa ra lúc này. Nếu thị trường cà phê theo kịch bản tăng như hiện nay thì biên độ tăng chưa dễ dàng chấm dứt, tuy nhiên nếu giá chấm dứt từ khu này khi Brazil không có tuyết rơi, giá New York đổ về khu sàn 145,00 – 140,00 cent thì London cũng có thể hiệu chỉnh. Liệu giá cà phê trên London có hiệu chỉnh cùng New York hay không đang là câu hỏi lớn.
Nguồn VICOFA tổng hợp