Kết thúc phiên 9/7, 3 chỉ số chính của Phố Wall đều lập đỉnh, hồi phục từ đà giảm mạnh ở phiên trước đó do lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu dần chậm lại. Giá dầu, vàng và thép tăng, nickel cao nhất 4 tháng, đường thấp nhất 1 tháng, cao su chạm ‘đáy’ 8 tháng. Giá cà phê hai sàn diễn biến trái chiều.
Chứng khoán Mỹ đồng loạt tăng điểm
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 448,23 điểm, tương đương 1,3%, lên mức kỷ lục là 34.870,16 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng khoảng 1,1%, đóng cửa ở mức cao nhất mọi thời đại là 4.369,55 điểm. Nasdaq Composite tăng 1% để và cũng chạm đỉnh 14.701,92 điểm.
S&P 500 đã ghi nhận tuần tăng điểm thứ 6 trong 7 tuần. Sự hồi phục ở phiên này đã giúp 3 chỉ số chính đồng loạt chứng kiến mức tăng trong tuần qua. Chỉ số Dow tăng 0,2% trong tuần. S&P 500 và Nasdaq lần lượt tăng 0,4% và 0,4% kể từ thứ Hai.
Các cổ phiếu dẫn đầu mức giảm vào thứ Năm, bao gồm nhóm được hưởng lợi từ việc nền kinh tế mở cửa trở lại và ngân hàng, đều giao dịch tích cực. Bank of America tăng khoảng 3,3%, dẫn đầu đà tăng của cổ phiếu ngành tài chính. Royal Caribbean tăng 3,6% và Wynn Resorts tăng gần 2%. American Airlines và United Airlines đều tăng hơn 2%.
Chỉ số vốn hóa nhỏ Russell 2000 đã tăng hơn 2% vào thứ Sáu.
Mức tăng của các cổ phiếu Big Tech đã gặp lực cản, khi Tổng thống Joe Biden ký một lệnh điều hành mới nhằm vào các hoạt động cạnh tranh của những gã khổng lồ trong ngành. Amazon đã giảm 0,3% sau khi đạt mức cao nhất mọi thời đại vào thứ Năm.
Lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm tăng 7 điểm cơ bản lên 1,36%, giúp giảm bớt lo ngại về suy thoái kinh tế. Lợi suất trái phiếu giảm gần đây đã khiến các nhà đầu tư hoang mang, với lợi suất. trái phiếu 10 năm giảm xuống 1,25% ở mức thấp nhất vào thứ Năm.
Mức giảm hôm thứ Năm, chứng kiến chỉ số Dow giảm gần 260 điểm, xảy ra khi nhà đầu tư lo ngại về sự lây lan của biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao có thể ảnh hưởng đến quá trình hồi phục của kinh tế toàn cầu. Hon nữa, Nhật Bản đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại thủ đô Tokyo và ban điều hành Olympics 2021 cũng không cho phép khán giả tham dự các trận đấu vào mùa hè tại thủ đô nước này.
Dầu tăng hơn 2% do tồn kho của Mỹ giảm
Giá dầu tăng trong phiên cuối tuần do phản ứng với việc lượng dầu tồn trữ của Mỹ giảm và những dấu hiệu cho thấy nhu cầu mạnh mẽ đến từ Châu Á, nhất là Trung Quốc và Ấn Độ.
Kết thúc phiên này, dầu Brent tăng 1,43 USD (1,93%) lên 75,55 USD; dầu Tây Texas Mỹ (WTI) tăng 1,62 USD, tương đương 2,2%, ở mức 74,56 USD.
Phil Flynn, nhà phân tích cấp cao của Price Futures Group ở Chicago cho biết: “Thị trường lúc này chỉ tập trung vào hai thông tin chính: Lượng dầu tồn trữ của Mỹ giảm kỷ lục và triển vọng của việc Iran quay trở lại thị trường xuất khẩu dầu dần trở nên mờ nhạt”.
Tuy nhiên, giá dầu ở cả hai bờ Đại Tây Dương tính chung cả tuần này hầu như không thay đổi, mặc dù mỗi ngày đều biến động khá mạnh.
Vàng tăng
Giá vàng tăng khá mạnh trong phiên cuối tuần do lo ngại về biến thể Delta khiến USD yếu đi và có thể khiến đà hồi phục kinh tế toàn cầu bị chậm lại.
Kết thúc phiên giao dịch 9/7, giá vàng giao ngay tăng 0,5% lên 1.810,99 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 8/2021 tăng 0,6% lên 1.810,6 USD/ounce.
Bart Melek, trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa của TD Securities cho biết: “Chúng ta vẫn tiếp tục gặp rắc rối do virus Covid-19 biến thể Delta – yếu tố có thể làm chậm tiến độ hồi phục kinh tế, không chỉ ở Mỹ mà trên toàn thế giới”.
Vàng vốn được coi là hàng rào chống lại những bất ổn kinh tế và chính trị cũng như lạm phát gia tăng. Do đó, kim loại quý này đã thu hút người mua khi tình trạng thiếu hụt vắc xin xảy ra và các biến thể của virus Covid-19 đã dẫn đến những hạn chế mới, đặc biệt là ở Đông Nam Á.
Đồng USD yếu đi cũng làm tăng độ bóng của vàng thỏi bằng cách làm cho vàng trở nên rẻ hơn đối với các nhà đầu tư nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Giá cà phê hai sàn diễn biến trái chiều
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London tăng liên tiếp phiên thứ ba. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 tăng thêm 37 USD, lên 1.744 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 11 tăng thêm 26 USD, lên 1.722 USD/tấn, các mức tăng mạnh. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình.
Trái lại, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York điều chỉnh giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 giảm 0,75 cent, xuống 151,30 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 12 giảm 0,80 cent, còn 154,35 cent/lb, các mức giảm nhẹ. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô nội địa tại Đaklak tăng lên 36.800 – 36.900 đồng/kg.
Đồng Real tăng 0,46 %, tỷ giá lên ở mức 1 USD = 5,2370 Real, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khẳng định sẽ xem xét việc mua tài sản ở phiên họp sắp tới vì nỗi lo lạm phát vượt mức và Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) cũng nghiên cứu biện pháp giảm kích thích khi các nền kinh tế chủ chốt của EU nới lỏng giãn cách xã hội trong mùa hè này, khiến USDX thận trọng giảm trở lại đã hỗ trợ các tiền tệ mới nổi.
Giá cà phê New York điều chỉnh giảm khi Brazil vẫn duy trì sức bán tốt, bất chấp tin đồn nông dân và thương nhân nội địa đã “xù” hàng cho những hợp đồng đã ký ở mức giá thấp.
Trái lại, đầu cơ đã mạnh tay đẩy giá tăng vọt trên sàn London đã điều quá bất ngờ, nằm ngoài mọi dự đoán của giới quan sát và các nhà phân tích.
Tuy nhiên, cho dù giá cà phê kỳ hạn trái chiều nhưng khối lượng thương mại trên cả hai sàn vẫn không cao, dường như chỉ để cho các bộ phận đầu cơ thanh lý, điều chỉnh vị thế và chốt lời ngắn hạn trong phiên giao dịch cuối tuần.
Dịch vụ Dự báo Thời tiết của Mỹ cho rằng có 60% khả năng sẽ có hiện tượng thời tiết La Nina phát triển vào cuối năm nay, sẽ gây mưa nhiều cho các nước sản xuất cà phê trên vành đai Thái Bình Dương và khô hạn cho vùng cà phê phía Đông Nam Brazil. Tuy nhiên, chỉ có thể khẳng định điều này trong vài tháng tới.
Việt Nam bùng phát dịch bệnh, xuất khẩu sụt giảm là mối lo của thị trường Robusta London trong ngắn và trung hạn.
Theo báo cáo của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 5 chỉ đạt 9,78 triệu bao, giảm 10,1% so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, lũy kế xuất khẩu cà phê toàn cầu trong 8 tháng đầu niên vụ hiện tại 2020/2021 cao hơn 2,2% so với cùng kỳ niên vụ trước, với tổng cộng 87,3 triệu bao. Trong đó, cà phê có xuất xứ từ Brazil chiếm tới 35% lượng cà phê toàn cầu xuất khẩu sang các thị trường tiêu dùng.
Tính đến thứ Hai ngày 06/07, tồn kho cà phê Robusta được sàn London chứng nhận đã giảm thêm 1.720 tấn, tức giảm 1,14 % so với một tuần trước đó, xuống đăng ký ở mức 149.130 tấn (tương đương 2.485.500 bao, bao 60 kg).
Nguồn VICOFA tổng hợp