Kết thúc phiên 26/5, chứng khoán Mỹ tăng điểm nhẹ khi cổ phiếu được hưởng lợi từ việc nền kinh tế mở cửa thúc đẩy sự khởi sắc của thị trường. Giá dầu tiếp tục đi lên do nhu cầu sắp tăng, cà phê tăng, Arabica cao nhất 4 năm vì Brazil khô hạn. Tuy nhiên, giá vàng đã mất mốc 1.900 USD/ounce. Đáng chú ý, giá sắt thép tiếp tục chuỗi ngày lao dốc mạnh.
Chứng khoán Mỹ tăng điểm nhẹ
S&P 500 tăng 0,2% lên 4.195,99 điểm, chỉ cách mức cao kỷ lục khoảng 1%. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones chỉ tăng 10,59 điểm lên 34.323,05 điểm. Nasdaq Composite tăng 0,6% lên 13.738,00 điểm.
Thị trường giao dịch ít biến động trước Ngày Lễ Tưởng niệm Chiến Sĩ Trận Vong (Memorial Day) cuối tuần. SPDR S&P 500 ETF Trust (SPY) chỉ ghi nhận hơn 33,5 triệu cổ phiếu được giao dịch, thấp hơn nhiều so với khối lượng trung bình 30 ngày gần 77 triệu cổ phiếu.
Cổ phiếu của các công ty hưởng lợi từ nền kinh tế đang phục hồi giao dịch tích cực. Carnival Corp. tăng 2,8%. Royal Caribbean tăng 3,9% và ghi nhận mức tăng trong tuần này lên hơn 11% sau khi nhà cung cấp dịch vụ du thuyền nhận được sự chấp thuận để tái khởi động các chuyến du lịch thử nghiệm với các hành khách tình nguyện.
Tâm lý lạc quan đối với diễn biến của nền kinh tế diễn ra khi số ca nhiễm Covid-19 trung bình hàng ngày tại Mỹ giảm xuống dưới mức 25.000 và gần 1 nửa dân số nước này đã tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin.
Cổ phiếu của Ford đã tăng hơn 8% sau khi gã khổng lồ ngành sản xuất ô tô cho biết họ đang tăng đầu tư vào xe điện lên 30 tỷ USD đến năm 2025.
Bitcoin tiếp tục hồi phục, giúp cải thiện tâm lý ưa rủi ro trên thị trường tài chính. Bitcoin đã kết thúc phiên thứ Tư ở mức khoảng 38.500 USD, theo Coin Metrics.
Cổ phiếu Nordstrom giảm 5,8% sau khi không đạt kỳ vọng lợi nhuận quý đầu tiên, trong khi cổ phiếu của Urban Outfitters tăng 10% sau kết quả kinh doanh quý tốt hơn mong đợi.
Ngày 26/5 cũng đánh dấu sinh nhật lần thứ 125 của chỉ số Dow Jones Industrial Average, ra mắt cách đây hơn 1 thế kỷ với 12 thành viên. Năm khởi sắc nhất của Dow Jones là 1915 khi ghi nhận mức tăng 81,7%, trong khi năm 1931 là năm tồi tệ nhất với mức giảm 52,7%.
Các nhà đầu tư chú ý đến Washington và tiến triển trong cách cuộc thảo luận về chi tiêu cơ sở hạ tầng giúp thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Các đảng viên Cộng hòa tại Thượng viện dự kiến đệ trình một kế hoạch trị giá gần 1 nghìn tỷ USD lên Tổng thống Joe Biden trong tuần này.
Trong khi đó, giám đốc điều hành của các ngân hàng lớn nhất của Mỹ – bao gồm JPMorgan Chase, Bank of America, Citigroup, Wells Fargo, Goldman Sachs và Morgan Stanley – đã điều trần trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện hôm thứ Tư.
Dầu tăng
Giá dầu tăng trong phiên vừa qua do lượng dầu tồn trữ của Mỹ giảm làm gia tăng kỳ vọng nhu cầu sẽ tiếp tục cải thiện trước khi đến mùa lái xe cao điểm yếu tố bù đắp cho những lo ngại rằng nguồn cung khi Iran trở lại xuất khẩu sẽ gây ra tình trạng dư thừa trên thị trường.
Kết thúc phiên này, dầu Brent tăng 16 US cent (0,3%) lên 68,87 USD/thùng; dầu Tây Texas Mỹ (WTI) tăng 14 US cent (0,2%) lên 66,21 USD/thùng.
Dữ liệu từ Mỹ cho thấy dự trữ dầu thô ở trung tâm lưu trữ Cushing tuần trước đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020 khi các nhà máy lọc dầu tăng tỷ lệ sử dụng công suất sản xuất lên bằng mức trước khi xảy ra đại dịch Covid-19. Dự trữ xăng dầu của nước này đã tăng lên 9,5 triệu thùng/ngày (cho thấy nhu cầu sắp tăng), trong khi dự trữ sản phẩm chưng cất cũng tăng.
Tuy nhiên, các nhà tham gia thị trường dầu đang theo dõi chặt chẽ những diễn biến trong đàm phán Mỹ – Iran có thể dẫn đến việc sẽ dỡ bỏ những trừng phạt đối với ngành năng lượng Iran để nước này có thể quay lại bán dầu trên thị trường xuất khẩu.
Vàng giảm về dưới 1.900 USD/ounce khi USD và lợi suất trái phiếu Mỹ đều hồi phục
Giá vàng phiên 26/5 có lúc vượt lên trên mức 1.900 USD/ounce, nhưng đã quay trở lại dưới ngưỡng này vào lúc kết thúc phiên giao dịch khi USD hồi phục và lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ cũng đi lên làm giảm sức hấp dẫn của vàng, mặc dù hy vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giữ lập trường chính sách ôn hòa khiến giá vàng chỉ giảm nhẹ.
Kết thúc phiên này, vàng giao ngay giảm 0,3% so với đóng cửa phiên trước, xuống 1.893,2 USD/ounce; trong phiên có lúc đạt 1.912,5 USD; tuy nhiên, vàng kỳ hạn tháng 6 tăng 0,2% lên 1.901.2 USD/ounce.
Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao của OANDA, cho biết việc lợi suất trái phiếu Mỹ tăng và sức mạnh của đồng USD khiến một số người rút bớt tiền đầu tư ra khỏi mặt hàng vàng.
Một số quan chức Fed đã nhắc lại cam kết của họ đối với lập trường chính sách ôn hòa, trong khi Phó chủ tịch Fed Richard Clarida hôm 25/5 cho biết họ có thể kiềm chế sự bùng phát lạm phát nếu điều đó xảy ra mà không làm chệch hướng phục hồi kinh tế.
Giá cà phê hai sàn cùng tăng tốc
Kết thúc phiên giao dịch, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London tiếp nối đà hồi phục. Kỳ hạn giao ngay tháng 7 tăng thêm 15 USD, lên 1.503 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 9 tăng thêm 14 USD, lên 1.526 USD/tấn, mức tăng đáng kể. Khối lượng giao dịch duy trì dưới mức trung bình.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cũng tiếp nối đà hồi phục. Kỳ hạn giao ngay tháng 7 tăng thêm 5,20 cent, lên 155,7 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 9 cũng tăng thêm 5,20 cent, lên 157,65 cent/lb, các mức tăng rất mạnh. Khối lượng giao dịch khá cao trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô nội địa tại Daklak tăng lên mức 34.300 – 34.400 đồng/kg.
Đồng Real tăng 0,46%, tỷ giá lên ở mức 1 USD = 5,3120 Real do sự tăng giá của các đồng tiền mới nổi khi mối lo lạm phát chung của toàn cầu dường như đã giảm bớt, trong khi sự khẳng định của Fed và EU sẽ duy trì lãi suất ổn định đã thu hút đầu cơ quay lại các thị trường hàng hóa nói chung.
Giá cà phê nối tiếp đà hồi phục trên cả hai sàn, nhưng đầu cơ tại London vẫn tỏ ra thận trọng cho dù đã có sức kéo từ New York hỗ trợ. Điều này cũng không quá khó hiểu khi hầu hết các dự báo quốc tế khẳng định vụ mùa Arabica của Brazil năm nay thất thu nghiêm trọng, trong khi vụ mùa Conilon Robusta gia tăng rất đáng kể.
Theo các nhà quan sát, sự kháng giá tại thị trường nội địa Việt Nam vẫn còn khá mạnh, trong khi niên vụ cà phê 2020/2021 chỉ còn 4 tháng xuất khẩu. USDA dự báo tồn kho mang sang niên vụ mới 2021/2022 ước khoảng 7,23 triệu bao Robusta, do Việt Nam xuất khẩu khá chậm vì sức tiêu thụ toàn cầu sụt giảm, cước vận tải biển tăng cao trong mùa đại dịch.
Tại sàn giao dịch cà phê London, báo cáo lượng cà phê tồn kho của Robusta vẫn tiếp tục tăng lên 15.905 lô so với mức 11.000 lô tồn kho vào tháng 10/2020 thì hiện nay lượng tồn kho đã tăng 50%. Ngay khi Arabica lượng tồn kho đạt mức 2,065 triệu bao so với mức tồn kho 1,1 triệu bao, tương đương thị trường cà phê Arabica tồn kho tăng gấp đôi kể từ tháng 10/2020 đến nay.
Xét về kỹ thuật, thị trường cà phê Arabica hợp đồng tháng 07 khoảng 82% giao dịch ở vị thế mua, chỉ có 18% ở vị thế bán. Các nguồn quỹ lớn lại tiến hành mua lượng khống mới. Nước sản xuất lại tiến hành bán bù thiếu các hợp đồng của nguồn quỹ mua khống. Lúc này, thị trường dường như củng cố để tăng trong ngắn hạn, thị trường đã xuất hiện mô hình nến tăng lớn phiên qua cảnh báo xung lực và biên độ tăng ngày một mạnh hơn.
Thị trường đã đạt mức cao nhất trong vòng 07 tuần qua trên biểu đồ ngày, vì thế mục tiêu đóng cửa trên mức trần 165,00 cent đang được thực hiện. Người ta dự báo đầu phiên tới thị trường thử mức 156.76 cent là mức cao phiên qua sau đó thị trường sẽ thử 160,00 cent để đẩy lên cao hơn. Ngay khi mức sàn khu 150,00 cent, nếu phá qua mức sàn này thị trường sẽ về khu 147,00 cent. Liệu giá cà phê Arabica và New York sau khi bật tăng lớn vào những ngày gần đây có thể sửa giá giảm lại hay không đang là câu hỏi lớn.
Các nhà phân tích và kỹ thuật bình luận: Trên thị trường cà phê Arabica cùng Robusta thị trường đang có một đợt mua bù thiếu do thời tiết Brazil lạnh liên tục vào những ngày gần đây. Như vậy, đợt không khí lạnh này đã duy trì khoảng 3 đến 4 ngày tại phía Nam Brazil nhưng khi thổi vào vùng Sao Paulo và Mina’s nhiệt độ lại tăng lên 17-18 độ C không ảnh hưởng vụ mùa hiện nay. Tuy nhiên, các cơn mưa cuối tuần có thể là yếu tố giúp thị trường cà phê giảm trở lại.
Các nhà sản xuất cà phê tại Brazil đang phải cố gắng tái đàm phán về các hợp đồng bán cho các nhà xuất khẩu, các thương gia. Họ đã thỏa thuận bán trước số lượng các hợp đồng giao sau trong thời gian vừa qua và họ muốn đàm phán giao dịch lại liên quan đến vấn đề năng xuất thu hái có thể không như mong đợi.
Các nhà phân tích và khảo sát nhận định khi họ chỉ ra các yếu tố căn bản liên quan đến các vườn cây cà phê bị khô hạn rõ ràng nhiều hơn. Nguồn cung tại quốc gia sản xuất cà phê lớn nhất thế giới đang ngày càng eo hẹp, không riêng vụ mùa đang thu hái năm nay mà còn dấy lên lo ngại cho chu kỳ vụ mùa 2022/2023.
Báo cáo về tình hình độ ẩm và lượng mưa tại các vùng trồng cà phê chính tại Brazil có lượng mưa thấp, theo lý thuyết sẽ tác động đến chu kỳ cho các vụ mùa tiếp theo. Thêm vào đó, tại quốc gia sản xuất Arabica lớn thứ 2 thế giới – Colombia, các công ty vận tải biển tại quốc gia này đang hủy các đơn hàng vận chuyển cà phê, do các cuộc biểu tình cải cách kinh tế tại Colombia. Điều này là rào cản cho việc xuất khẩu cà phê trên toàn cầu.
Tương tự trên thị trường hàng thực tại Việt Nam, hiện nay các nhà bán hàng tại Brazil và Colombia đang phải tái đàm phán lại. Vì họ có thể không giao các hợp đồng đã được ký kết trước đó hoặc sẽ phải đền bù hợp đồng “WASHOUT”.
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cho biết Dash Xclusive đang thu hồi cà phê Imperia Elita Vitaccino sau kết quả phân tích cho thấy sản phẩm có chứa Sibutramine và Fluoxetine chưa được khai báo. Sản phẩm thu hồi là cà phê hòa tan, 1 hộp 15 gói 10 g, hiện được bán trên thị trường dưới dạng “chiết xuất thảo mộc” và thực phẩm chức năng để giảm cân. Các sản phẩm này đã được phân phối trên khắp nước Mỹ thông qua Internet và ebay tại www.ebay.com. Sản phẩm cũng được bán bởi các đại lý bán lẻ trên toàn thế giới. Tất cả các lô sản phẩm đều bị ảnh hưởng trong đợt thu hồi này.
Phân bón cho cà phê đang đối diện với đợt tăng giá. Theo World Bank, Quý I/2021, chỉ số giá phân bón quốc tế đã tăng 24%, dẫn đầu là phosphate và urea do nhu cầu mạnh và chi phí nguyên liệu tăng; kali tăng giá ít hơn do nguồn cung dồi dào. Giá DAP (diammonium phosphate) tăng hơn 34% trong quý I, trong khi TSP (triple superphosphate) tăng 38%. Nhu cầu phân bón tăng mạnh nhất là những nền kinh tế có ngành nông nghiệp lớn nhất thế giới, như Châu Âu, Mỹ, Brazil và một số nước Châu Á. Ngoài ra, giá năng lượng và cước phí vận chuyển đều tăng; giá các nguyên liệu sản xuất phân bón như amoniac và lưu huỳnh tăng… cũng góp phần đẩy giá phân bón lên mức cao kỷ lục. Do dịch Covid-19 khiến giá cước vận tải, container rỗng bị thiếu trầm trọng đẩy giá cước vận tải biển tăng mạnh, nhiều tuyến đường biển tăng trên 100% cũng là một nguyên nhân khiến giá phân bón toàn cầu tăng. Các chương trình kích thích kinh tế của các Chính phủ chống Covid[1]19 cũng là một yếu tố đẩy giá phân bón tăng. Do giá liên tục tăng nhanh trong nhiều tháng qua, hiện giá bán lẻ tất cả các loại phân bón đều cao hơn so với một năm trước. Giá phân bón quốc tế năm 2021 dự báo sẽ tăng so với năm 2020 (Workd Bank dự báo tăng 27%), nhưng sẽ giảm vào năm 2022, khi nhu cầu giảm và năng lực sản xuất tăng lên. Giá phân DAP dự báo sẽ tiếp tục tăng cho đến khi có nguồn cung mới bổ sung từ Maroc, Saudi Arabia và các nơi khác. Giá DAP năm 2021 sẽ tăng 44%, và năm 2022 sẽ giảm 6%, giá urea năm nay sẽ tăng 31%, sau đó giảm 8% trong năm 2022.
Tại Việt Nam, các vùng trồng cà phê vối trọng điểm ở nước ta đã bước vào mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 11), cây nuôi quả cho đến khi thu hoạch và phát triển bộ cành dự trữ cho năm sau. Cây sử dụng dinh dưỡng với khối lượng lớn nên khoảng 70% tổng lượng phân bón vô cơ cho cả năm được bón trong mùa mưa. Hiện nay, giá tất cả các loại phân bón như DAP, Urea, NPK … đều đạt mức cao nhất từ trước tới nay do ảnh hưởng bởi giá phân bón trên thế giới tăng và các chi phí sản xuất đầu vào, cùng các nguyên liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất trong nước tăng. Ðồng thời, dịch COVID-19 đã làm cho việc nhập khẩu một số loại phân bón gặp khó cũng góp phần đẩy giá tăng lên, nhất là đối với phân bón DAP và urea. Riêng với phân urea, giá trong nước tăng gần đây một phần nữa có nguyên nhân là hai nhà máy sản xuất urea trong nước là Phú Mỹ và Hà Bắc cùng dừng máy để bảo dưỡng định kỳ từ giữa tháng 4, trong khi Nhà máy Đạm Ninh Bình mới cho sản phẩm trở lại từ ngày 23/4 đã khiến mặt hàng ure trong nước có thời điểm thiếu cục bộ, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên đang vào mùa mưa.
Đến 5/5, giá phân urea tại cảng Quy Nhơn đã lên đến 9,5 triệu đồng, khi nhập về đến các đại lý có giá lên tới 9,7- 9,8 triệu đồng/tấn, các đại lý bán ra cho nông dân khoảng 10 triệu đồng/tấn. Như vậy, so với cùng kỳ năm 2020, giá phân Urê đã tăng khoảng 3 triệu đồng/tấn. Đây là mức tăng kỷ lục từ trước đến nay với thị trường phân bón. Mỗi ha cà phê một năm cần bón khoảng 6 – 7 tạ phân ure, chưa kể các loại phân bón khác. Với diện tích cà phê hiện có của Tây Nguyên, lượng phân bón cần thiết quả là khổng lồ. Phân bón cũng chiếm chi phí cao trong tổng chi phí cho vườn cây. Giá phân bón lên cao cả nhà vườn lẫn doanh nghiệp đều phải đối diện với nhiều khó khăn.
Theo tờ Nikki Asia của Nhật Bản, kể từ năm ngoái, Tập đoàn Kirin Nhật Bản đã hỗ trợ 350 trang trại cà phê của Việt Nam, giúp người trồng bảo vệ nguồn nước, bảo vệ các dòng sông khỏi ô nhiễm và phổ biến các phương pháp canh tác tốt hơn cho các khu vực ít ánh nắng. Kirin đã góp phần hỗ trợ người trồng cà phê Việt Nam nhận được chứng chỉ từ Rainforest Alliance, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Mỹ. Để có được chứng nhận này, nông dân phải hạn chế sử dụng quá mức hóa chất nông nghiệp, bảo vệ đa dạng sinh học, nâng cao hiệu quả và chất lượng sản xuất, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động. Công ty đặt mục tiêu tăng gấp đôi số trang trại được hỗ trợ lên 700 vào cuối năm nay. Cà phê Việt Nam chiếm 30% tổng số nguyên liệu mà Kirin sử dụng để sản xuất các sản phẩm, chẳng hạn như cà phê lon. Nhờ nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, doanh số bán hạt cà phê được chứng nhận Rainforest Alliance tăng mạnh trên thế giới trong năm ngoái, với mức tăng 15% so với năm trước đó.
Từ khi được cấp chỉ dẫn địa lý (CDÐL) năm 2017, cà phê Sơn La được nhiều người biết đến, thương lái đổ về mua, và hiện 90% sản lượng được xuất khẩu dưới dạng cà phê nhân. Hợp tác xã (HTX) cà phê Bích Thao (xã Hua La, TP Sơn La) với hai sản phẩm mới của HTX được chuyển giao công nghệ từ nước ngoài, đã sản xuất thử nghiệm thành công và bắt đầu xuất khẩu sang Ðức là cà phê mật ong và trà làm từ vỏ quả cà phê. Hai sản phẩm mới cho giá trị kinh tế cao hơn gấp nhiều lần so với sản phẩm cà phê nhân truyền thống, HTX đã đầu tư nhiều tỷ đồng, từ việc thuê chuyên gia nước ngoài sang chuyển giao quy trình công nghệ, xây dựng nhà xưởng chế biến, đến liên kết, tập huấn cho người dân quy trình trồng, thu hái… Quy trình thu hái để làm hai sản phẩm nêu trên rất kỳ công: Chỉ hái những quả chín trong khoảng thời gian từ 8 đến 10 giờ sáng, hoặc 15 đến 17 giờ chiều nhằm giữ đường tự nhiên trong vỏ quả cà phê. Cà phê được rửa sạch, hong khô chế biến ngay trong ngày với công đoạn quan trọng nhất là ủ lên men trong 12 đến 14 giờ, đường và hương thơm của cà phê chín ngấm dần vào hạt, hạt ngả vàng mầu mật ong, còn vỏ được tách để làm trà. Không chỉ làm mới sản phẩm, các doanh nghiệp sử dụng CDÐL cà phê Sơn La đã đồng hành cùng các chương trình, dự án nghiên cứu để cây cà phê ngày càng tăng năng suất. Thí dụ, Công ty Xuất, nhập khẩu cà-phê Minh Tiến đã hợp tác với các nhà khoa học phát triển mô hình thí điểm 60 ha cà phê chất lượng cao tại các xã Chiềng Mung, Chiềng Ban (huyện Mai Sơn), Hua La (TP Sơn La) và đang hợp tác để triển khai xây dựng nhà máy chế biến vỏ quả cà phê làm phân bón hữu cơ tại Chiềng Mung, với mong muốn người dân trồng cà phê sạch, hạn chế bón phân hóa học. HTX cà phê Bích Thao phối hợp Viện Khoa học kỹ thuật Nông – Lâm nghiệp Tây Nguyên trồng thử nghiệm cà phê chè giống mới (THA1) cho năng suất tăng từ 10 đến 15%.
Tuy nhiên, hiện nay việc nâng cao chất lượng sản phẩm mang CDÐL chủ yếu do tự thân doanh nghiệp, thiếu sự kiểm soát hiệu quả của cơ quan chức năng, do đó, có tình trạng chất lượng không đồng đều trong vùng CDÐL, ảnh hưởng đến danh tiếng sản phẩm. Ông Nguyễn Vinh Ðức, Phó Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu cà phê Minh Tiến (Sơn La) cho biết, danh tiếng cà phê Sơn La có nguy cơ bị ảnh hưởng do tình trạng thu hái lẫn nhiều quả xanh non, 70% sản lượng cà phê trên địa bàn chế biến thủ công khiến chất lượng sản phẩm không bảo đảm. Ðáng lo ngại là chất lượng cà phê tốt hay kém đều bán được, cho nên người dân chỉ nghĩ đến cái lợi trước mắt, quên đi việc bảo vệ lâu dài thương hiệu cộng đồng.
Tham khảo phân tích biểu đồ:
Nguồn VICOFA tổng hợp